Tiết kiệm? Chi tiêu? Hay cả hai? Đó là mâu thuẫn của nhiều người. Bạn vừa muốn tiết kiệm cho tương lai nhưng cũng muốn thỏa mãn cuộc sống hiện tại. Dù không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai nhưng không ai muốn những năm tháng về già mình lại sống trong cảnh khốn khó.
Hiểu được thói quen chi tiêu của gia đình
Bạn phải hiểu được nguồn thu nhập của gia đình hiện tại. Muốn tiết kiệm hay chi tiêu nhiều tiền hơn, hãy hiểu được thói quen tiêu tiền hiện tại của gia đình. Lập kế hoạch và kiểm tra chi tiêu của gia đình hàng tuần. Điều này không những giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn dễ dàng xác định được mình đã chi “quá tay” ở những mục nào để kịp thời điều chỉnh. Nếu để một tháng mới kiểm tra thì đôi khi con số chi đã vượt quá kế hoạch nhiều lần.
Cẩn thận trong việc mua sắm
Hãy cẩn thận trong việc mua sắm. Mỗi tháng, bạn hãy tính toán kỹ những khoản chi bắt buộc như tiền điện, tiền nước… với thu nhập của hai vợ chồng. Trước khi mua bất cứ thứ gì, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ vì nếu không bạn không thể tiết kiệm. Ví dụ, nếu quyết định mua một chiếc xe hơi trả góp thì mỗi tháng bạn phải trả thêm một khoản tiền nữa, điều này sẽ làm giới hạn chi tiêu hàng ngày của gia đình.
Học cách nói “không” trước những khoản chi không cần thiết
Bạn xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để dễ phân bổ những khoản chi tiêu sao cho hợp lý. Ví dụ, nếu dự định cho con đi du học thì ngay bây giờ, bạn phải giảm những hoạt động vui chơi xa xỉ của gia đình như thường xuyên ăn nhà hàng, mua đồ hiệu… thay vào đó là những hoạt động mang tính gắn kết gia đình với chi phí hợp lý hơn như: đưa cả nhà đi công viên, tham quan sở thú... Một khi mong muốn trở nên lớn dần, bạn sẽ chống lại được những thôi thúc tiêu tiền để thực hiện dự định của mình.
Tiết kiệm cho từng mục tiêu cụ thể
Ngoài phương án để dành thông thường, bạn có thể sử dụng nhiều cách khác để tiết kiệm như, mua bảo hiểm tiết kiệm, thiết lập nhiều tài khoản tiết kiệm và mỗi tài khoản dành cho một mục tiêu khác nhau. Ví dụ, một tài khoản để dành đi du lịch châu Âu, một tài khoản để mua một chiếc xe mới. Điều này cho phép bạn thấy tiến độ cụ thể mà mình đang thực hiện. Cứ đều đặn mỗi tháng, bạn gửi một khoản tiết kiệm vào quỹ và con số này sẽ tăng lên theo thời gian.
Kế hoạch cho những chi phí phát sinh
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng nó rất cần thiết. Tốt nhất, để quản lý tài chính của gia đình hiệu quả, bạn dành một khoản cho các chi phí phát sinh trong tháng. Nếu đã có sẵn một số tiền để chi tiêu, bạn sẽ không đụng đến số tiền tiết kiệm trong tài khoản.